Khả năng nói chuyện và giao tiếp xã hội cũng tốt hơn những tháng trước. Trẻ có khả năng nói được khá nhiều từ, rất thích hoà nhập với mọi người, đặc biệt là những bạn cùng lứa tuổi.
25 tháng tuổi là độ tuổi đánh dấu sự thay đổi nhiều về hình thể của trẻ. Não phát triển gần như hoàn chỉnh, nhưng mọi hoạt động của não vẫn chưa cân bằng.
Khuôn mặt của trẻ lúc ra đời rất nhỏ so với sọ, nhưng đến thời điểm này đã dài ra và cân đối với đầu. Chân tay của trẻ cũng không ngừng dài ra cùng với quá trình phát triển của trẻ.
Chiếc bụng “cóc” của trẻ dường như đã phẳng hơn trước, bộ răng sữa của bé hầu như đã đủ khoảng 20 chiếc. Khả năng vận động của trẻ có nhiều tiến triển khi lúc này trẻ đã có thể di chuyển nhanh bằng chân. Khả năng giữ thăng bằng tốt do dó trẻ không cần bất cứ ai giúp khi đi lại, chạy nhảy hoặc làm bất cứ thứ gì.
Trẻ rất thích được giúp đỡ bố mẹ những công việc nhỏ nhặt và làm theo ý mình như chọn quần áo mình thích để mặc sau khi tắm, tự mang/cởi giày, tất sau khi đi chơi đâu đó. Trẻ có thể giúp mẹ tự rửa tay và lau khô tay, tự mặc quần áo, cài nút áo giúp mẹ.
Trong độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu ý thức về bản thân mình. Trẻ thích chơi trò gọi tên các bộ phận trên cơ thể, trò chơi trí tuệ như xếp hình, xây tháp bằng gạch nhựa hay vẽ một đường thẳng, phân biệt màu sắc, những khái niệm đối lập,...
Trẻ rất thích được hoà nhập với mọi người, đặc biệt là những bạn cùng lứa tuổi. Mặc dù có những lúc hơi hung hăng, quyết đoán nhưng trẻ rất thích chơi cùng nhiều bạn, thích chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với các bạn. Điều này khiến trẻ rất thân thiện hoà đồng với mọi người, tự tin hơn trước mặt người quen và ít rụt rè, ít nhút nhát hơn trước người lạ.
Khả năng nói chuyện và giao tiếp xã hội cũng tốt hơn những tháng trước. Trẻ có khả năng sử dụng trên 200 từ. Trẻ có thể kể một câu truyện ngắn mẹ hay kể cho trẻ nghe. Tuy nhiên giọng kể chuyện của trẻ vẫn còn khá ngọng. Bé cố bắt chước giọng của mẹ khi kể chuyện trông thật đáng yêu. Chắc chắn khi nghe trẻ kể chuyện bạn sẽ phải bật cười. Trẻ có khả năng nói một số các câu trả lời đơn giản, thuộc và hát được một vài câu hát ngắn.
Trẻ trong độ tuổi này có nhu cầu dinh dưỡng tùy thuộc theo trọng lượng và chiều cao của trẻ. Nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ lúc này còn cao hơn cả người lớn. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển tốt cả về thể lực và trí tuệ tạo đà cho các kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Trung bình nhu cầu nǎng lượng cần thiết ở lứa tuổi này là 95 Kcal/kg/24 giờ. Trẻ bắt đầu nhai được các thức ăn cứng hơn. Tuy nhiên bộ máy tiêu hóa và các chức năng tiêu hóa, hấp thu vẫn chưa thật hoàn chỉnh.
Do đó, thật cần thiết để lập ra một chế độ ăn uống hợp lý đối với trẻ. Thông thường trẻ ở tuổi này cần ăn ba bữa chính và một bữa phụ. Mỗi bữa cách nhau bốn tiếng, lượng thức ăn chính khoảng 5 gr cộng thêm các món khác. Các bữa chính phải đảm bảo đủ các loại chất dinh dưỡng như: thịt, cá, tôm, trứng, các loại rau xanh.
Cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn: đạm, tinh bột, dầu mỡ và vitamin. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh, hoa quả, sữa chua để giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu của trẻ. Đảm bảo cho trẻ uống đủ 500 ml sữa mỗi ngày để cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày của trẻ.
Tiêu chảy là một triệu chứng rất hay gặp ở trẻ nhỏ nhất là những trẻ đang trong giai đoạn tập ăn. Bệnh được gây ra do rotavirus. Các virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh khiến trẻ ho, sốt và bắt đầu đi ngoài thường xuyên.
Đối với bệnh này, trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, mất nước nhiều do đi tiêu nhiều, có phân lỏng, nhiều nước hoặc dịch nhày có thể có máu,.. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ có thể cho trẻ uống dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng, không pha loãng hay đặc quá. Nếu trẻ mệt quá cần đưa ngay tới cơ sở y tế khám bệnh.
Phòng bệnh này tốt nhất là tiêm phòng vacxin cho trẻ, giữ trẻ tránh khỏi nguồn bệnh, giữ ấm trong mùa lạnh…
Ở giai đoạn này, bạn có thể cho trẻ chủ động tiếp xúc với nhiều trẻ khác cùng trong độ tuổi của trẻ để kích thích khả năng học tập, sáng tạo, biết chia sẻ, nhường nhịn đồ chơi, đồ ăn với nhau. Hơn nữa đây cũng là cơ hội cho bạn cùng các mẹ khác có thời gian nhâm nhi chén trà chia sẻ những kinh nghiệm hay.
Đi dạo, đi chơi công viên hoặc về nhà ông bà cũng tạo cho trẻ thói quen biết yêu thương, giao tiếp xã hội, từ đây kích thích khả năng nói chuyện và vận động của trẻ.
Bố mẹ lưu ý thường xuyên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để tiêm phòng và khám bệnh định kỳ. Hãy giữ vệ sinh thân thể, ăn uống, sinh hoạt, tạo cho trẻ một môi trường thật tốt để phát triển toàn diện.