Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hoá vitamin D dẫn đến xương mềm và dễ gãy.
Bệnh còi xương do thiếu vitamin D còn có tên khác là còi xương dinh dưỡng hay gặp ở trẻ em ở các nước đang phát triển. Trên thế giới có 40-50% dân số thiếu vitatmin D. Bệnh còi xương dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ, làm tăng tần suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Vitamin D là vitamin tan trong chất béo và có trong thức ăn động vật như gan, cá, trứng, sữa…Vitamin D là một nhóm gồm từ D2 đến D7, trong đó 2 chất có hoạt tính mạnh nhất là D2 và D3. Vitamin D3 được tổng hợp ở các tế bào da nhờ ánh sáng tử ngoại, nếu được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì lượng D3 tạo ra đủ cho nhu cầu của cơ thể.
Vitamin D được hấp thụ ở ruột non nhờ tác dụng của mật hay tiền vitamin D (Dehydrocholesterol) ở trong da, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chuyển thành vitamin D3 (cholecalciferol).
Vitamin D có tác dụng điều chỉnh hấp thu canxi, phốt pho từ thức ăn. Nó làm tăng tổng hợp protein gắn với canxi nên làm tăng hấp thu canxi ở ruột và huy động canxi từ xương vào máu, tham gia vào quá trình canxi hoá sụn tăng trưởng. Do đó vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường hệ xương ở trẻ em.
Vitamin D điều hoà nồng độ canxi và phốt pho máu. Khi nồng độ những chất khoáng này trong máu giảm, cơ thể sản xuất hormon PTH. PTH làm giải phóng canxi và phốt pho từ xương, kết quả là xương mềm xốp, gây hậu quả còi xương ở trẻ em, làm trẻ chậm lớn, chậm biết đi, chân vòng kiềng…, ở người lớn sẽ bị loãng xương, xương dễ gẫy.
Thiếu vitamin D còn làm giảm hấp thu canxi ở ruột từ thức ăn xuống từ 30- 40% đến 10- 15%.
Vitamin D còn có vai trò cốt hoá răng, tham gia vào độ chắc cho răng của con người. Gần đây người ta còn phát hiện vitamin D có vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng, miễn dịch chống bệnh tật, phòng ngừa ung thư và nhiều lợi điểm khác.
Vitamin D được hấp thụ ở ruột non nhờ tác dụng của mật hay tiền vitamin D (Dehydrocholesterol) có sẵn dưới da, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chuyển thành vitamin D3 (cholecalciferol). Các tế bào mỡ vận chuyển Cholecalciferol vào hệ thống tuần hoàn đến gan để chuyển hóa theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Cholecalciferol trải qua quá trình chuyển hoá và tạo ra 25(OH)D3 hay 25-hydroxyvitamin D nhờ men 25-hydroxylaza, quá trình này xảy ra tại các microsome của tế bào gan.
Giai đoạn 2: 25(OH)D3 được vận chuyển đến thận và chuyển hoá thành 1α25-hydroxy vitamin D (thường viết tắt là 1,25(OH)2D3) nhờ men 1,α-hydroxylaza của ti lạp thể ở liên bào ống thận. 1,25(OH)2D3 là chất chuyển hoá cuối cùng của viatmin D.
Nếu trẻ được phơi nắng đúng cách, chỉ cần phơi từ 15 đến 30 phút mỗi ngày là đủ vitamin D cho nhu cầu của cơ thể. Vitamin D cung cấp qua thức ăn thường ở dạng vitamin D2 (ergocalciferol), có nguồn gốc từ thực vật và nấm, được bổ sung trong sữa công thức và các thực phẩm khác.
Những trẻ dễ có nguy cơ bị còi xương là trẻ sinh non, đẻ sinh đôi; trẻ nuôi bằng sữa bò; trẻ quá bụ bẫm; trẻ sinh vào mùa đông.
Các biến chứng của xương là làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ ở trẻ gái. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại.
Lưu ý
- Trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị còi xương, thậm chí là một yếu tố nguy cơ gây còi xương bởi ở những trẻ này, nhu cầu về canxi, phốt-pho cao hơn trẻ bình thường nên nếu bố mẹ không lưu ý sẽ dẫn đến tình trạng thiếu canxi và dẫn đến còi xương.
- Trẻ da sậm màu dễ bị thiếu vitamin D hơn vì khả năng hấp thụ của da kém hơn.
- Ăn quá dư đạm cũng làm tăng khả năng mất canxi qua thận.
Tỉ lệ trẻ thấp còi ở Việt nam vẫn còn khá cao, theo số liệu điều tra của Viện dinh dưỡng năm 2007 là 33,9%, xếp trong 20 nước có tỉ lệ thấp còi cao nhất thế giới.
Cần bổ sung dầu mỡ đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.
Hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp, khoảng 22 UI/l. do đó trẻ bú mẹ phải phơi nắng đều đặn, trong những tháng mùa đông phải uống thêm vitamin D.
Cần phân biệt trẻ còi xương và còi cọc. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể còi cọc, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, nhưng có thể kèm còi xương hoặc không. Còn còi xương có thể gặp ở cả nhóm trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng và cả nhóm trẻ bụ bẫm, thậm chí rất bụ bẫm.