“Lắm lời” một phần là do tính cách của mỗi người, một phần là do hoàn cảnh. Sự vất vả, trách nhiệm công việc, gia đình, con cái quá nặng nề nên phụ nữ chỉ còn biết giải tỏa qua lời nói.
Vừa bước chân vào đầu ngõ, anh Trí đã nghe vợ quát con ầm ĩ. Chị nói liến thoắng, nói chẳng ai kịp nghe và khi đó, hễ ai xuất hiện là sẽ bị cuốn vào guồng nói của chị. Biết tính chị, anh tìm cách né bằng cách ngồi xuống quán nước trà đầu hẻm, đợi khi vợ hạ hỏa thì mới về. Vừa thấy chồng, chị Hoa đã ca thán: “Ôi trời ơi là trời, thằng anh nó vừa tắm vừa nghịch, xối nước ướt cả người con em. Tắm xong rồi chúng nó lại chạy nhảy, đạp nhau chí chóe, mẹ vừa nấu cơm, vừa trông chúng nó, vừa dọn bàn ăn. Còn thằng bố nó, chị nhìn sang anh, đi hết ngày hết bữa, giờ này mới dẫn xác về, chẳng giúp tôi được cái gì cả. Cái số tôi nó khổ. Từ ngày lấy chồng toàn làm osin cho nhà chồng, làm chẳng lúc nào ngơi tay, chồng tôi thì cứ như vua, sáng cắp ô đi tối cắp vế…”
Anh Trí bội thực vì tiếng rên của vợ. Thành thử nhiều khi tan sở, anh cố ý ngồi lại thêm, chứ về sớm là anh “lãnh đủ”.
“Lắm lời” một phần là do tính cách của mỗi người, một phần là do hoàn cảnh. Sự vất vả, trách nhiệm công việc, gia đình, con cái quá nặng nề nên phụ nữ chỉ còn biết giải tỏa qua lời nói. Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại, nhiều khi, chính sự “lắm lời” của họ khiến cho gia đình mệt mỏi, ức chế và hình ảnh của họ trở nên xấu xí trong mắt bạn đời và các con.
Một cuộc khảo sát ở nam giới, điều gì làm họ ghét nhất ở phụ nữ, 80% nam giới trả lời họ “căm ghét” nhất phụ nữ đó là tính nói nhiều. Vì sao một “đặc sản” của phụ nữ lại làm nam giới căm ghét đến vậy, đó là vì các nguyên nhân sau:
Có chàng trai thổ lộ: Phụ nữ toàn nói cho sướng miệng nhưng không biết rằng mình đang thổi một luồng khí “độc” vào không khí gia đình. Cô ấy hết rầy la con đến quát tháo chồng, và khi hết việc sai khiến, cô ấy bắt đầu chuyển sang làu bàu, than thở. Cũng có ngày “vui đột xuất”, cô ấy không mắng con, la chồng thì cũng cố kiếm được đôi ba chuyện gì đó để nói. Từ lúc về đến nhà cho đến lúc kết thúc bữa cơm. Nhiều khi, cô ấy hỏi lại thì tôi ú ớ chẳng biết gì, vì tôi có để ý đâu. Ấy vậy mà cô ấy vẫn tiếp tục nói. Cô ấy nói mà chẳng để ý xem có ai muốn nghe không”.
Do đó, thay vì nói để chẳng ai nghe, phụ nữ nên nói chuyện có chọn lọc một chút. Nếu thấy chồng đã hờ hững, nên dừng lại.
Một cuộc điều tra cho thấy con số rất thú vị, trung bình mỗi ngày, phụ nữ thường nói khoảng 20.000 từ, trong khi đàn ông chỉ là khoảng 7000 từ mỗi ngày. Như vậy là phụ nữ nói nhiều gần gấp 3 lần đàn ông. Tuy nhiên, điều thú vị hơn là phần nhiều trong số những điều phụ nữ nói ra mỗi ngày là những từ lặp đi lặp lại, ví dụ: Anh đánh răng đi, anh tắm đi, anh sắn tay áo lên, anh giúp em nấu cơm…
Vì vậy, nhiều đàn ông đã quá quen thuộc với những gì vợ sắp nói ra, cho nên thay vì chú ý lắng nghe, họ tập trung vào tờ báo hay tivi. Có điều, vì hay nói và nói các vấn đề bị lặp lại, nên những câu nói bình thường của phụ nữ cũng khiến đàn ông cảm thấy như cô ấy đang càm ràm, nhắc nhở, trách móc, huyên thuyên, khiến anh ấy ước gì câu chuyện của vợ sớm có hồi kết.
Bạn có nhận thấy, thường phụ nữ nói nhiều lại ít có chiều sâu. Đơn giản là bất cứ điều gì cô ấy đều xả ra qua lời nói. Mà thường những người không có chiều sâu thì kém hấp dẫn và kém bí ẩn hơn. Bởi vì những người khác biết “tỏng” suy nghĩ và con người cô ấy. Nhiều đàn ông thổ lộ, không thể phủ nhận sự nói nhiều của phụ nữ làm nhà cửa vui hơn, sinh động hơn. Tuy nhiên, cũng phải nói, nhiều chị em nói dài, nói dai thành ra nhiều khi… nói dại.
Thường thì trong công việc, đàn ông chịu nhiều áp lực hơn phụ nữ. Trong gia đình, anh ấy cũng thường phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn. Vì vậy hàng ngày, anh ấy phải căng mình ra để thu hết những yêu cầu từ sếp, trao đổi với đồng nghiệp, anh em, bạn bè, bố mẹ… nên khi về nhà, hơn lúc nào hết anh ấy cần sự yên tĩnh. Một người vợ lắm lời, suốt ngày than trách người này, chỉ trích người kia vô tình trở thành “kẻ phá bĩnh” không gian yên tĩnh của anh ấy.
Vì vậy phụ nữ khôn ngoan nên biết khi nào nên nói, khi nào nên im lặng.