Theo quan niệm xưa, ở rể là đánh mất đi quyền quyết định đối với mọi chuyện, mất đi bản lĩnh đàn ông,... Chính vì vậy nhiều đấng mày râu không muốn phải theo vợ về ở rể. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, xã hội phát triển quan niệm về việc ở rể đã nhẹ nhàng hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn đối với cuộc sống gia đình.
Trong giai đoạn “bão giá” hiện nay, việc thắt chặt trong chi tiêu, tiết kiệm là một kế sách được nhiều gia đình áp dụng. Chính vì vậy nhiều người lựa chọn về “ở rể” nhà vợ để tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt.
Bạn cứ thử tưởng tượng, một gia đình có biết bao nhiêu khoản cần phải chi tiêu như tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền xăng xe, tiền gửi con đi học,… Nếu như vợ chồng bạn chưa đủ khả năng về kinh tế hoặc thậm chí có tiền để mua đất, làm nhà nhưng có thể thoải mái trong các khoản chi tiêu cho sinh hoạt hay không?
Nếu ở nhà vợ, mặc dù các chi phí cho sinh hoạt sẽ cao hơn những gia đình nhỏ bình thường nhưng nếu như chia ra đầu người thì chi phí cho mỗi người lại nhỏ hơn nhiều. Tất nhiên việc ở rể không phải chỉ có mục đích tư lợi nhưng chẳng lẽ hai vợ chồng lại đi thuê nhà ở riêng trong khi căn nhà của bố mẹ vợ rộng thênh thang không có ai ở? Nếu như ở rể nhà vợ chẳng phải đã giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ, giúp ổn định cuộc sống sau này sao?
Khi có con cái, là lúc hai vợ chồng trẻ phải lo hàng trăm thứ khác nhau từ nhỏ nhặt đến to tác. Rồi với đồng lương ba cọc ba đồng, nếu vừa phải gánh tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt liệu có lo được cho con đầy đủ hay không? Rồi guồng quay của công việc riêng chồng liệu hai vợ có thể có thời gian để xoay sở, chăm sóc tốt cho con không?
Nếu như bạn đang ở rể, chẳng phải vấn đề này sẽ được giải quyết một cách dễ dàng hơn rất nhiều sao? Khi sinh con, bên cạnh sự chăm sóc của cha mẹ, bé nhà bạn còn được ông bà ngoại, gia đình nhà ngoại chăm nom, săn sóc. Điều này không chỉ giúp ông bà được khuây khỏa tuổi già mà con cái của bạn thì được chăm sóc cẩn thận. Nhiều gia đình có ông bà ngoại chăm sóc mà các cháu không bao giờ phải đến trường muộn, lúc nào nhìn cũng sạch sẽ, đáng yêu… Bố mẹ thì không lo con ốm vì luôn có ông bà chăm sóc cháu chu đáo.
Ở rể là con gái và con rể có cơ hội để hiếu kính với bố mẹ, lo lắng, chăm sóc cho bố mẹ những lúc đau ốm đặc biệt nếu như vợ là con một trong nhà hoặc nhà vợ neo người. Hơn nữa, nếu như con rể có thái độ cách sống và đối xử với bố mẹ vợ tốt thì còn được mọi người tán thưởng, yêu thương và quý trọng hơn.
Các chàng rể khi về ở rể nhà vợ thường rất chăm chỉ, nói năng khiêm tốn, lễ phép với mọi người đặc biệt là trước mặt "nhạc phụ nhạc mẫu",hơn nữa còn cố gắng để trở thành con cái thật sự trong nhà nên thường xuyên giúp đỡ bố mẹ vợ, anh em nhà vợ. Hình ảnh người chồng đối xử tốt với cha mẹ vợ, không nề hà khó khăn và gánh vác mọi việc của gia đình vợ sẽ làm tăng thêm sự kính trọng trong lòng người vợ, là tấm gương để dạy dỗ các con về sau này.
Ở rể mặc dù tạo ra cảm giác không thoái mái, tự do cho lắm trong quan hệ tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên nếu như bạn biết biến đổi việc này theo hướng khác thì sẽ vô cùng tốt. Nếu bạn tỏ ra chăm sóc, chiều chuộng vợ, thì bạn không chỉ được vợ yêu hơn mà còn được mẹ vợ, gia đình nhà vợ tán thưởng.
Ngoài ra, nhờ có ông bà chăm sóc con cái chu đáo, lo toan việc nhà việc cửa nên hai vợ chồng sẽ thoải mái hơn. Chồng có thể đi công tác xa mà không lo lắng ở nhà vợ ốm, con dại, trộm căp… Vợ có thể thoải mái về thời gian hơn, rảnh tỗi có thể đi mua sắm, đi chơi cùng bạn bè, công ty. Hoặc cũng có thể thỉnh thoảng hai vợ chồng để con ở nhà với bà để đi du lịch, cải thiện, vun đắp tình cảm…
Việc ở rể nên hay không nên là quyết định của mỗi người cũng như có khiến mối quan hệ ấy tốt lên hay xấu đi là do cách cư xử của mỗi người. Để có được một gia đình êm ấm, mỗi thành viên trong gia đình cần phải cố gắng hết mình, đối xử với nhau sao cho thấu tình đạt lý. Nếu như vậy, tin chắc rằng sẽ không còn tồn tại quan điểm “chó chui gầm chạn” như trước kia.