Tháng thứ 13 này, tính tự lập của trẻ tăng lên khá nhiều. Trẻ muốn được tự mình làm những gì mình thích và nếu như có ai đó làm giúp sẽ khiến trẻ bực tức là khóc nhè ngay.
Trẻ 13 tháng tuổi có dấu hiệu phát triển chậm lại: trẻ không còn tăng cân như các tháng trước. Sự phát triển của hệ vận động ở trẻ cũng có những tiến triển thú vị. Dù thực sự chưa đi vững, nhưng trẻ cũng không muốn mẹ hay người thân giúp, có thể trẻ sẽ đẩy tay bạn ra khi bạn muốn dắt bé đi.
Điều quan trọng là trẻ đang tự làm một mình, không còn phải đợi được ẵm lên và mang đi hay đẩy đi, cả thế giới đang mở ra trước mắt trẻ. Trẻ thường tới những nơi thu hút sự tò mò của chúng. Thỉnh thoảng một vài thứ khiến trẻ cảm thấy thật sự sợ hãi khi phát hiện ra ví dụ như cánh cửa kêu rất to, con chó tự dưng sủa to…
Ở tháng tuổi này, trẻ đã phát triển cảm xúc khá rõ rệt. Các tâm trạng, cảm xúc và hành vi, bao gồm độc lập, thất vọng, sợ hãi, giận dữ, phản đối, bướng bỉnh, dữ dằn, lo lắng, buồn bã và bối rối. Điều đó chứng tỏ những thay đổi và sự lớn lên ở trẻ.
Cùng với sự phát triển đôi chân, khả năng hoạt động ở tay cũng được thực hiện khéo léo hơn những tháng trước. Trẻ có thể cầm một vật và thả nó vào một vật chứa lớn hơn. Một số trẻ đã có thể viết nguệch ngoạc những đường nét vô nghĩa, một số khác cũng có thể cầm muỗng nhưng vẫn chưa khéo đâu, thức ăn vẫn tung tóe khắp nơi và dính đầy lên người trẻ.
Mặc dù vẫn chưa thể nói được nhưng những từ đơn giản dễ phát âm như "mẹ", "bà", "mèo", trẻ phát âm rất rõ. Do khả năng nói vẫn chưa tốt nên trẻ thường xuyên sử dụng hành động để giao iếp với bố mẹ. Ví dụ như trẻ thường bám chặt lấy mẹ khi không muốn mẹ đi đâu, ôm chặt lấy bố khi muốn được bố bế, hoặc muốn lấy gì mà trẻ không tự mình lấy được, trẻ sẽ kéo tay người lớn để lấy cho mình,…
Không có gì tốt hơn việc trẻ được chăm sóc và phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong một ngày. Bạn có thể theo dõi tháp dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý cho trẻ.
Cho trẻ ăn thêm nhiều hoa quả tươi theo sở thích của trẻ, rau xanh, nước ép hoa quả, sữa chua… để giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên bạn cần lưu ý khi chọn hoa quả, rau xanh cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh gây bệnh cho trẻ.
Ngoài chế độ ăn hợp lý, bạn cần chú ý cho trẻ uống đầy đủ sữa khoảng 500ml/ ngày bao gồm cả sữa mẹ và sữa công thức. Nếu trẻ được 13 tháng tuổi mà vẫn chưa đi được, nghi ngờ trẻ đang có các dấu hiệu của thiếu canxi, còi xương. Bạn có thể bổ sung thêm vitamin D tiếp tục cho con, mỗi ngày 2 - 4 giọt, đồng thời cho trẻ tắm nắng hàng ngày vào thời gian 7 - 9h sáng.
Thời gian giao mùa đặc biệt là khi thời tiết chuyển giao từ mùa hè sang mùa thu là quãng thời gian rất nguy hiểm cho trẻ. Thời tiết ẩm thấp dẫn đến việc xuất hiện nhiều loại muỗi vằn, đặc biệt là loại muỗi truyền virus sốt xuất huyết từ người bệnh sang người lành.
Nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện sốt cao từ 38,5 độ trở lên và liên tục từ 2-7 ngày, xuất hiện những chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu răng, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen…cần đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế để khám bệnh.
Để phòng bệnh hiểu quả, cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ và đặc biệt lưu ý khi đi ngủ cần phải mắc màn tránh bị muỗi vằn đốt.
Trò chơi ưa thích của chúng ở độ tuổi này là khám phá thế giới xung quanh, do đó bạn có thể cùng chơi với trẻ, và thỉnh thoảng thay đổi phương pháp chơi, luật chơi để giúp trẻ hứng thú hơn. Đây cũng là cách giúp trẻ rèn luyện thêm trí nhớ và khả năng sáng tạo của mình.
Ở tháng tuổi thứ 13, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về sức khỏe của bé và những mũi tiêm chủng cần thiết cho bé. Mũi tiêm chủng có thể khác nhau tùy theo cơ quan y tế.
Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào những nhóm gia đình có em trẻ trong độ tuổi tương tự với trẻ. Nó sẽ giúp cho trẻ của bạn dễ hòa nhập với những đứa trẻ khác. Đồng thời mẹ cũng có một nhóm bạn để chia sẻ những vấn đề về con yêu.