Được 4 tuần tuổi, như vậy là bé yêu của bạn đã tròn một tháng rồi đấy. Đây là một mốc rất đáng nhớ và quan trọng của cả bé và mẹ.
Vẫn sẽ có nhiều sự thay đổi đáng ngạc nhiên ở bé cần sự chăm sóc tỉ mỉ của mẹ. Đồng thời mẹ cũng sẽ gặp phải một số vấn đề sau sinh, hãy bình tĩnh và vượt qua các mẹ nhé.
Bắt đầu từ tuần thứ tư, bé đã ý thức được nhiều hơn về cơ thể của mình, và đây cũng chính là lúc bé bắt đầu khám phá bản thân mà việc đầu tiên là khám phá các chi nhỏ xíu của mình.
Lúc mới sinh, bé không có khái niệm tay và chân cũng là một phần của thân thể. Phải đến tuần thứ 4, bé mới bắt đầu tìm hiểu cơ thể mình, và tay - chân là những bộ phận được bé khám phá đầu tiên. Bạn có thể nắm tay chân bé lắc nhẹ, đưa ra trước mặt bé, chạm vào mặt vào bụng bé, để bé có thể vừa thấy vừa cảm nhận được cùng lúc.
Tuy nhiên, trẻ ở trong giai đoạn này vẫn chưa thể điều tiết nhiệt độ cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, hệ tuần hoàn của bé cũng chưa hoàn thiện. Nhiệt trong cơ thể bé có thể thoát ra ngoài qua tay và chân, vậy nên bố mẹ hãy bảo đảm cho bé ấm áp ở tay và chân khi các bé sinh vào mùa lạnh.
Để hướng dẫn bé bước vào thế giới mới mẻ và lạ lẫm này, hầu hết các bậc cha mẹ chọn cách chơi cùng bé. Bé sẽ rất chú ý đến những đồ chơi nhiều màu sắc và hình thù phong phú đa dạng. Những hình ảnh có màu sắc tương phản và nổi bật sẽ hút mắt bé.
Bạn có thể lựa chọn những lồng treo nôi phù hợp với giới tính của bé, bên cạnh đó có thể nằm chơi cùng bé để khuyến khích bé giơ tay lên, với lên đồ chơi, tăng hoạt động của tay. Tuy nhiên bé chưa thể cầm hay nắm thứ đồ chơi mình thích được, vì vậy, bạn cần hoàn thiện kỹ năng cầm, nắm, lấy đồ vật bằng cách đặt vào tay bé để bé dần quen.
Về mặt ngôn ngữ, bé có thể phát ra những tiếng “ê” “a” rất đáng yêu để bày tỏ cảm xúc của mình. Một số bé nhanh còn bắt đầu biết hét và cười nữa. Khi bé “ê, a” bạn đừng ngại mà nên hưởng ứng cùng bé, đáp lại bằng chính ngôn ngữ của bé. Bé yêu của bạn sẽ rất thích đấy. Có thể một số bà mẹ trẻ sẽ cảm thấy ngượng và không quen nhưng thông qua việc giao tiếp này, con bạn có thể học được về cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ.
Con sẽ thích thú và thậm chí có thể chen những ngôn ngữ của chính bé vào nữa đấy. Con bạn có thể biểu hiện khác nhau ríu rít, thủ thỉ, lẩm bẩm và ầm ừ để biểu lộ cảm xúc của mình. Một số ít trẻ cũng bắt đầu kêu ré lên và cười.
Khi trẻ giao tiếp, bạn hãy hưởng ứng lại với trẻ y như thế, điều đó sẽ kích thích khả năng ngôn ngữ của bé rất tốt. Nói với trẻ giọng điệu trẻ con, nhấn nhá sẽ khiến trẻ tỏ ra hào hứng, trẻ con thích nghe những âm thanh hơi cao một chút. Hãy để ý đến điều đó.
Về bản thân người mẹ, có thể sẽ gặp tâm lý thất vọng, mệt mỏi, cảm thấy mọi chuyện không như ý, có thể gặp phải tình trạng trầm cảm hay loạn thần. Đặc biệt, nếu bé có vấn đề về sức khỏe, những cảm giác tâm lý sẽ càng nặng nề hơn. Điều này cũng rất bình thường, các mẹ đừng nén giữ trong lòng, nên chia sẽ những gánh nặng tâm lý với bà ngoại, với chồng và cùng tìm cách khắc phục, quan trọng là luôn hướng tới niềm vui với thiên thần nhỏ của bạn.