Bé được ba tháng tuổi, bé đã lớn hơn rất nhiều, cùng với sự phát triển của não bộ cũng như các giác quan, bé đã ý thức hơn về thế giới xung quanh và có nhiều thay đổi.
Bé ngoan, ít quấy, khóc nên các bà mẹ có nhiều thời gian rảnh hơn so với giai đoạn bé được một, hai tháng tuổi. Những phản xạ bẩm sinh như hay giật mình nay hầu như không còn. Cổ của bé cũng cứng hơn, khi bế thẳng, đầu bé rất ít hoặc không bị lắc lư như hai tháng trước. Khi nằm sấp bé cũng bắt đầu biết nghiêng người và cố gắng ngẩng đầu lên.
Bé thích thú với bàn tay và hay ngắm nhìn các ngón tay của mình. Các ngón tay bé cũng cử động linh hoạt hơn, tay bé có thể mở ra và nắm vào nhịp nhàng, khi với được đồ vật ở trước mặt, bé thường đưa vào miệng ngậm.
Trong giai đoạn này não bộ của bé cũng phát triển đáng kể, bụng của bé cũng có thể chứa được lượng sữa nhiều hơn nên giấc ngủ ban đêm của bé thường kéo dài 6-7 giờ liền. Giấc ngủ ngày của bé ba tháng tuổi cũng ổn định hơn, mỗi giấc ngủ ngắn kéo dài từ nửa giờ cho đến hai tiếng.
Thị giác của bé đã phát triển gần như hoàn chỉnh, bé có thể nhìn rõ những vật thể xung quanh. Khi nhìn những vật chuyển động, bé có thể quay đầu nhìn theo.
Vì thính giác và thị giác của bé phát triển hơn nên bé biết quay đầu về hướng giọng nói bố, mẹ phát ra. Bé ba tháng tuổi cũng rất thích nghe các thể loại âm thanh, nhạc có giai điệu nhẹ nhàng.
Những đồ vật nhiều màu sắc cũng thu hút sự chú ý của bé. Bé thích thú nhìn các đường nét trên khuôn mặt mọi người, ví dụ như khi trò chuyện với bé, bé thường nhìn vào mắt bạn hoặc khi cho bé soi gương, bé chăm chú nhìn hình ảnh của chính mình trong gương.
Đến tháng thứ ba, cơ thể bé đã dần hoàn thiện và cách thức giao tiếp với mọi người xung quanh cũng có nhiều thay đổi. Đây là giai đoạn mà nhà tâm lý học trẻ em Margaret Mahler gọi là thời gian “nở”, khi bé thoát ra khỏi lớp vỏ bọc để thích nghi với thế giới xung quanh.
Bé biết tương tác với mọi người bằng nụ cười như khi vui bé sẽ cười rất tươi. Đến tháng thứ ba, khóc không còn là phương tiện giao tiếp chủ yếu của bé. Thay vào đó, bé biết dùng những nguyên âm như “a”, “ư”, “o”…để lôi kéo sự chú ý của mẹ và mọi người.
Các bà mẹ có thể kích thích cơ thể và trí tuệ bé phát triển bằng cách cho bé chơi những đồ vật có nhiều màu sắc, có thể chuyển động, phát ra tiếng kêu leng keng như chuông gió để bé có thể phối hợp tay và mắt. Bé sẽ nhận ra rằng nếu chạm vào sẽ khiến những đồ vật này chuyển động.
- Nếu nửa đêm bé khóc, các bà mẹ hãy chờ 30 giây xem sao (một số bé chỉ khóc khoảng vài giây rồi ngủ thiếp đi). Nếu vừa nghe thấy bé khóc mà các bà mẹ vội dỗ dành thì sẽ tạo cho bé thói quen quấy khi ngủ. Sau 30 giây mà bé vẫn khóc thì nên cho bé bú hoặc vỗ về bé, những lúc này không nên bật đèn để bé hiểu rằng ban đêm là thời gian để ngủ.
- Thời gian này các bà mẹ cũng có thể kết hợp cho bé uống sữa bột nhưng không nên nghĩ đến việc cai sữa vì sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cho bé cho đến khi bé đầy 6 tháng tuổi.
- Các bà mẹ cũng nên thường xuyên trò chuyện với bé, nói những câu đơn giản như: “mẹ yêu bé con của mẹ lắm”, “cục cưng của mẹ măm măm sữa nào”, “cha đi làm về rồi kìa”… để giúp bé hình thành, phát triển khă năng ngôn ngữ.