Bạn đang mang thai và thường xuyên bị stress? Liệu em bé trong bụng mẹ có bị ảnh hưởng? Nhiều nghiên cứu cho thấy bạn đang tạo những tiền đề không tốt cho bé nếu tình trạng stress kéo dài, thường xuyên và liên tục trong suốt thai kì.
Vì vậy, hãy cố gắng vượt qua stress để có những đứa con khỏe mạnh từ “trong trứng nước”.
Bất kì yếu tố nào trong cuộc sống cũng có thể gây ra stress. Đôi khi yếu tố này không ảnh hưởng nhiều với bạn nhưng lại là yếu tố gây stress trầm trọng với người khác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu stress nhẹ và không thường xuyên thì tác hại của nó hầu như không đáng kể với bạn và em bé. Nhưng nếu hiện tượng stress diễn ra thường xuyên và kéo dài thì bạn hãy xem chừng, nó có thể để lại những di chứng đáng tiếc với bạn và hài nhi đang hình thành trong cơ thể bạn.
- Khi bạn bị stress, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kì, thì bạn có nguy cơ bị sẩy thai, bị lưu thai cao hơn 3 - 4 lần. Còn nếu stress trong ba tháng cuối thì bạn có nguy cơ sinh non, sinh bé nhẹ cân hoặc thai chậm phát triển gấp 2 lần. Nó cũng có thể là nguyên nhân gây nên những dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
- Stress làm tăng nguy cơ dẫn đến các tình trạng bệnh lý như làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, có nguy cơ dẫn đến tình trạng tiền sản giật, sản giật, trầm cảm.
- Stress cũng có thể làm nặng thêm những tình trạng bệnh lý đang có sẵn trong cơ thể mẹ.
- Stress trầm trọng và kéo dài có thể làm tổn hại hệ miễn dịch và các chức năng sinh lý khác, làm suy yếu khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể cũng như sự xâm nhập của vi trùng và làm tăng nguy cơ tử vong.
Nếu mẹ bị stress thường xuyên và kéo dài trong thai kì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi trong bụng mẹ. Vào tuần 12 – 22 của thai kì là giai đoạn bé mẫn cảm nhất với trạng thái stress của mẹ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy stress trong suốt thời gian mang thai có thể ảnh hưởng khá lớn đến nồng độ nội tiết của người mẹ, làm giảm dưỡng chất được cung cấp cho thai qua nhau, là nguyên nhân ảnh hưởng đáng kể đến các cơ quan trọng yếu của thai nhi như: gan, tim, thận, não và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ về sau.
- Mẹ bị stress có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ.
- Những dị tật về hệ thống tim mạch và thần kinh ở trẻ. (Do stress ảnh hưởng tới sự truyền đạt các thông tin di truyền, làm ảnh hưởng tới cấu trúc gen, phát sinh đột biến). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những thai phụ thường xuyên bị chồng đánh có nguy cơ sinh ra con mắc tim bẩm sinh cao gấp 5 lần những thai phụ có thai kỳ khỏe mạnh.
- Tỷ lệ trẻ em bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi và thói quen, tâm trạng bồn chồn lo lắng và một số triệu chứng ADHD (sự rối lọan tâm lý gây thiếu tập trung và hiếu động thái quá),… cũng tăng cao ở các bà mẹ bị stress kéo dài trong thai kì. Những trẻ em được sinh từ những bà mẹ chịu đựng stress suốt thai kỳ có ngưỡng chịu đựng với những yếu tố stress thấp hơn, làm giảm khả năng thích ứng với xã hội và khó khăn trong việc thay đổi môi trường.
Một vài lời khuyên cho bạn
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh những công việc vào lúc quá trưa hoặc tối muộn vì thời gian này là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi. Hãy sắp xếp công việc nhà hoặc nhờ sự trợ giúp từ chồng hoặc người thân.
- Tập thể dục: thực hiện một số động tác đơn giản khi có thể, mỗi ngày bạn cần tập thể dục ít nhất 10 phút, việc tập luyện sẽ trợ giúp quá trình trao đổi chất với thai và cả quá trình chuyển dạ.
- Thư giãn: làm những công việc bạn thích, hoặc chỉ đơn giản là nhắm mắt lại và nghỉ ngơi. Việc nghe nhạc và đọc sách cũng là một ý kiến hay. Các nhà khoa học còn cho thấy : cho trẻ nghe nhạc sớm (đặc biệt là nhạc giao hưởng) sẽ kích thích quá trình phát triển não bộ của trẻ.
- Tâm sự với người thân: mẹ, chồng, bạn thân, đồng nghiệp khi bạn cảm thấy căng thẳng, có thể bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ mình cần. Hãy luôn nhớ rằng bạn không cô độc, luôn có rất nhiều người có thể sẵn sàng giúp bạn.
- Chuẩn bị cho việc có thai: tham gia các chương trình chăm sóc trước sinh, đăng ký quản lý thai nghén tại cơ sở y tế, tham khảo các bài tập trong quá trình chuyển dạ, những kinh nghiệm từ những người đi trước, chuẩn bị tiền bạc….. Việc chuẩn bị trước giúp bạn tránh những căng thẳng không đáng có khi chuyển dạ hoặc sinh con.
- Hãy cười lên: vì nụ cười có khả năng đánh bay stress rất hiệu quả- mà lại đơn giản mà không tốn tiền.
- Cố gắng bình tĩnh: mọi việc đều có thể giải quyết, việc quan trọng nhất bây giờ là bạn và em bé trong bụng của bạn. Những tức giận và lo nghĩ chỉ làm tăng sự căng thẳng. Hãy bình tĩnh để suy nghĩ mọi việc sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.
- Đi chùa/nhà thờ, đi du lịch: không khí của chùa hay nhà thờ cũng như những cảnh quan thiên nhiên sẽ làm bạn quên đi mệt mỏi và căng thẳng, đồng thời cũng tạo lòng tin giúp bạn vượt qua những lo lâu căng thẳng đó.
Bạn thân mến! Stress không khó khắc phục. Hãy “giải tỏa stress” một cách thông minh nhất trong suốt chín tháng “mang nặng đẻ đau” để sinh ra những em bé khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần bạn nhé.