Sởi là bệnh có thể gặp ở mọi nơi và quanh năm nhưng mùa gặp nhiều nhất là vào mùa đông xuân, dễ bùng lên thành dịch theo chu kỳ 2-4 năm một lần. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Sởi trong tiếng Anh là Measles hay Rubeola. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi, thuộc họ Paramyxovirus influenzae gây ra. Bệnh thường xuất hiện với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ em vì sức đề kháng của trẻ thường kém hơn người lớn.
Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng do đó có thể trở thành dịch lớn. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp và niêm mạc mắt, khi trẻ lành tiếp xúc với đờm, nước bọt của trẻ mang bệnh hay bệnh nhi ho hắn ra. Khi trên 94% quần thể trong cộng đồng có tính miễn dịch thì mới có thể cắt được sự lây truyền của sởi.
Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.
Con đường chính dẫn đến bệnh sởi là lây lan qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện…, lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt khi ở ngoài môi trường tự nhiên.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sởi thường là do lây lan virus sởi từ người bệnh này sang người khác. Virus này thuộc họ Paramyxovirus influenzae, giống nhau về tính kháng nguyên, nhưng không có men neuraminidase, vì vậy nó không được hấp thu bởi những receptor của tế bào có chứa acid neuraminidic. Tuy nhiên virus sởi có khả năng làm ngưng kết tố hồng cầu của người bệnh.
Hiện nay người ta chỉ phát hiện một loại huyết thanh virus sởi. Trong giai đoạn ngắn sau khi phát ban, virus sởi được tìm thấy ở trong dịch tiết mũi hầu, máu và nước tiểu của người bệnh.
Virus có thể hoạt động sau khi để 34 giờ ở nhiệt độ thường. Ngược lại virus này dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, sức nóng…Ở nhiệt độ 56 độ C bị diệt trong 30 phút.
Virus sởi có khả lan truyền từ người này sang người khác rất cao. Khoảng 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa được tiêm phòng bệnh trước đó.
Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh. Người thường có thể mắc, lây bệnh 4 ngày trước khi những vết phát ban xuất hiện.
Sau khi siêu vi sởi xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da. Các virus này sẽ kích thích sinh kháng thể ngưng kết hồng cầu và tan hồng cầu bằng kĩ thuật kết hợp bổ thể và kĩ thuật ức chế ngưng kết hồng cầu…
Những tổn thương đặc trưng của sởi thường xuất hiện ở da, niêm mạc mũi hầu, phế quản, niêm mạc đường tiêu hóa và kết mạc mắt. Tại đây xuất hiện các dịch xuất tiết thanh mạc và sự tăng sinh của các tế bào đơn nhân và một số tế bào đa nhân quanh mao mạch.
Các tổ chức bạch huyết cũng tăng sinh thường gặp nhất là ở ruột thừa, nơi có thể tìm thấy các tế bào khổng lồ đa nhân. Các virus sau khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh có thể gây ra chứng viêm não chậm, sự hiện diện của virus trong các hạt vùi nội bào tương và trong nhân gây nên sự thái hóa từ từ của vỏ não, chất xám và chất trắng.
Bệnh sởi ở trẻ gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu: sốt, nổi ban đỏ trên da, ho,...Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh sẽ lành lại mà không để lại di chứng.