Với bệnh vẩy nến, các vết thương tổn thường tập trung nhiều ở các vùng hay tì đè, cọ xát như trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay, phần trên của thân, rìa tóc, vùng xương cùng, mông.
Bệnh vẩy nến là do sự rối loạn điều tiết hóa lành tính của tế bào thượng bì tạo nên một màng ngăn bám chặt trên da. Hiện tượng điển hình và hay gặp nhất của bệnh là dẫn đến những tổn thương về da. Các mảng bám trên da thường có các vẩy dày, có nhiều lớp chồng lên nhau rất dễ bong và thường gây ra cảm giác ngứa ngáy, dát đỏ cho người bệnh. Các màng bám này còn sản sinh tế bào nhanh gấp 10 lần so với bình thường rồi chết. Nhưng thay vì mất đi như tế bào chết bình thường thì nó nổi lên thành từng vẩy trắng. Sâu dưới lớp vẩy này lại có màu hồng. Nhìn những vảy này giống như những giọt nến. Chính vì vậy bệnh có tên là vẩy nến. Những vẩy như vẩy cá, màu đỏ gây tổn thương da ở lòng bàn tay với các mụn nhỏ là dấu hiệu của vẩy nến ở lòng bàn tay, và xuất hiện dấu hiệu tương tự gọi là vẩy nến ở bàn chân.
Với bệnh vẩy nến, các vết thương tổn thường tập trung nhiều ở các vùng hay tì đè, cọ xát như trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay, phần trên của thân, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Khi chạm vào vùng da bị bệnh thì thấy khô, cứng. Thường khó xác định hơn nếu thương tổn chỉ có ở đầu do tóc che khuất cho nên cần chú ý: nếu thấy ở đầu tự nhiên thấy gầu nhiều và dày lên so với trước đây. Sau một thời gian phát triển nhất định mà không được điều trị đúng cách thì các vêt tổn thương này có khả năng lan ra khắp cơ thể.
Ngoài gây ra những tổn thương đặc trưng ở vùng da của người mắc bệnh, vảy nến còn có thể gây ra tổn thương ở móng. Có khoảng 30-40% các trường hợp bệnh nhân vẩy nến bị tổn thương móng tay, móng chân. Khi chúng phát triển ở móng tay và móng chân, thì các vẩy trở nên dày hơn, sần sùi hơn hoặc có các lỗ nhỏ trên bề mặt móng. Các móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Có thể móng dày, dễ mủn hoặc khiến mất cả móng.
Sau khi lan rộng ra khắp cơ thể, bệnh vẩy nến còn có khả năng gây ra ảnh hưởng tới khớp. Những tổn thương ở vùng khớp được gọi là bệnh viêm khớp vẩy nến. Tỷ lệ khớp bị thương tổn đối với bệnh vẩy nến tùy từng thể. Trường hợp bệnh nhẹ, các thương tổn da khu trú, thì chỉ có khoảng 2% bệnh nhân có biểu hiện thương tổn ở khớp. Trong khi đó trường hợp bệnh nặng, dai dẳng có đến 20% bệnh nhân có thương tổn khớp. Bệnh viêm khớp vẩy nến thường khiến bệnh nhân bị biến dạng các khớp, khó vận động.
Biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn … Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.
Có rất nhiều cách để phân biệt các loại tổn thương gây ra do bệnh vẩy nến. Dựa vào tính chất, đặc điểm lâm sàng, mà có thể chia vẩy nến làm 2 loại chính là thông thường và loại đặc biệt hoặc dựa vào kích thước, vị trí của thương tổn da mà có thể phân ra các thể như thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng, vẩy nến ở đầu, vẩy nến đảo ngược, …
Một số trường hợp bệnh vẩy nến ở thể nặng và khó điều trị hơn như vẩy nến thể mủ với sự xuất hiện của các mụn mủ khô và nông, vẩy nến thể đỏ da toàn thân.
Lưu ý bệnh thường phát triển mạnh vào mùa khô và gây ra cảm giác đau đớn vô cùng ở những vùng da bị nhiễm bệnh, bị va chạm hoặc có các biểu hiện chảy máu ở chỗ da bị nứt. Điều này khiến bệnh có thể bị nhầm lẫn với nứt nẻ da cũng hay gặp ở mùa khô. Do đó để cho chắc chắn, ngay sau khi có những nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa người bệnh tới khám ở các cơ sở y tế tin cậy để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.