Ngày nay, với sự hỗ trợ điều trị của nhiều loại kháng sinh, tiên lượng điều trị viêm phổi nói chung và viêm phổi thùy nói riêng thường tốt. Tuy vậy, vẫn có những người bị biến chứng. Vì vậy điều quan trọng là phải điều trị sớm, tích cực và dứt điểm.
Viêm phổi thùy có thể điều trị tại nhà nếu bệnh nhân còn trẻ, bệnh nhẹ, dấu hiệu viêm phổi rõ ràng, nhưng với bệnh nhân nặng, người già, viêm phổi kết hợp với suy tim hay suy hô hấp… cần phải nhanh chóng điều trị tại bệnh viện.
Điều trị hỗ trợ
Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn bệnh tiến triển. Chế độ ăn dễ tiêu, đảm bảo đủ calo, thêm đạm và các loại vitamin nhóm B, C để bù nước và điện giải vì sốt cao, ăn uống kém, nôn, tiêu chảy...
Điều trị triệu chứng
Thuốc hạ sốt: Thuốc hạ sốt thường có tác dụng giảm đau. Có thể dùng asprin hay paracetamol 0,5g x 3-4 lần /ngày. Hoặc là acetaminophen (Tylenol), Diantalvic...
Đảm bảo thông khí: Nếu có suy hô hấp thì dùng oxy qua sonde mũi 3-5 lít /phút tùy mức độ (lưu ý nếu có suy hô hấp mạn thì giảm liều còn 1-2 lít /phút và ngắt quãng).
Các thuốc giãn phế quản: Nếu có dấu co thắt phế quản có thể cho thêm theophyllin 100-200mg x 3 lần /ngày.
Các loại thuốc ho và long đờm: Codein (Acodin, Neocodeon...) 100mg x 3 lần /ngày. Nếu đờm đặc và khó khạc có thể dùng Terpin, benzoat natri hoặc Acemuc, Exocemuc, Mucosolvon, Rhinathiol... 2-3 gói /ngày hoặc 3-4 viên /ngày.
Điều trị nguyên nhân
Viêm phổi do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh. Dùng kháng sinh sớm, đúng loại, đủ liều thì hiệu quả sẽ cao. Khi dùng kháng sinh bác sĩ cần dựa vào kháng sinh đồ, khi chưa có kháng sinh đồ thì dựa vào yếu tố dịch tễ, diễn tiến lâm sàng của bệnh, kinh nghiệm của thầy thuốc, thể trạng bệnh nhân và phải theo dõi đáp ứng điều trị để có hướng xử trí kịp thời.
Nếu do phế cầu, liên cầu: Kháng sinh chính hiện nay vẫn là: penicillin G. 500.000 - 1.000.000 đv x 4 lần/ngày tiêm bắp. Nếu nặng có thể tăng liều và truyền tĩnh mạch. Có thể dùng cefapirin (Cefaloject) 0,5g - 1g mỗi 8 - 12 giờ. Nếu bị dị ứng với penicillin thì dùng loại macrolid như erythromycin tiêm hay uống 2g/ngày chia 4 lần hay roxythromycin 150mg x 2 lần/ngày.
Nếu do tụ cầu vàng: Tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin thì có thể dùng cefapirin hay nhóm aminosid như Amikacine 15mg/kg/ngày tiêm bắp hoặc nhóm fluoroquinolon như Ofloxacine truyền tĩnh mạch hay uống 400mg/ngày chia 2 lần.
Tụ cầu vàng đề kháng methicillin, có thể dùng cefalosporin thế hệ III như cefotaxim (Claforan, Cefomic) 3g/ngày chia 3 lần hay vancomycin 30-50mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 3 lần. Nếu nặng có thể phối hợp với amikacin.
Nếu do Hemophillus influenza: Ampicillin 2-3g/ngày uống chia 3 lần hay tiêm bắp hoặc ofloxacin hoặccefapirin, Gentamicin 3- 4mg/kg/ngày tiêm bắp chia 2-3 lần.
Do Klebsiella pneumoniae: Thường điều trị phối hợp cefalosporin thế hệ III với amikacin.
Do vi khuẩn kỵ khí: Penicillin G hay metronidazol 1-2g/24 giờ hoặc cefalosporin thế hệ II, III.
Do hóa chất: Kháng sinh thường dùng là penicillin G phối hợp vớiprednison 5mg x 6-8 viên /ngày.
Các trường hợp viêm phổi có biến chứng phải điều trị kéo dài cho đến khi triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng trở về bình thường (xét nghiệm nhiều lần) để tránh biến chứng và tái phát.
Viêm phổi là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới phổ biến nhất. Ngày nay, tỉ lệ tử vong đã giảm nhiều nhờ vào nhiều loại kháng sinh mới và mạnh. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra thành những vụ dịch, nhất là do virus. Để phòng bệnh, giảm biến chứng phải chú ý các biện pháp sau:
Giữ ấm trong mùa lạnh, nâng cao thể trạng: Nhiễm lạnh là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn, virus sinh sôi, nhất là với những người có thể trạng yếu ớt.
Môi trường không trong sạch: Tránh xa môi trường bụi bẩn, ô nhiễm, khói bụi. Nếu buộc phải tiếp xúc với môi trường này, nên đeo khẩu trang có khả năng lọc khí tốt.
Không hút thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân gây viêm phổi hàng đầu cho người hút và cho những người xung quanh.
Phòng ngừa và điều trị sớm, tận gốc các nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính, điều trị sớm và theo dõi sát giai đoạn sớm của nhiễm trùng đường hô hấp, tránh lây lan.
Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối về dinh dưỡng để có thể trạng tốt nhất. Cần tập thể dục đều đặn, vừa sức để luôn có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường, thời tiết.
Những người trong nhóm yếu tố nguy cơ nên được tiêm một số loại vac-xin phòng chống virus như cúm, vac-xin bảo vệ các bệnh về phổi như viêm phổi…