Khi cho bú nên để vị trí đầu trẻ quay sang bên phải trong lần bú này và quay sang bên trái trong lần bú khác để trẻ có thể sử dụng tất cả các cơ ở vùng miệng.
Cho trẻ bú mẹ là cách nuôi dưỡng tốt nhất. Trẻ cần được giữ ở tư thế ngồi hoặc hơi thẳng đứng, tư thế này sẽ giúp hạn chế sữa mẹ chảy vào trong mũi và làm trẻ bị sặc. Có hai tư thế mà bà mẹ có thể chọn khi cho con bú:
Tư thế cho bú thứ nhất: Trẻ được đặt ngồi trên giường hoặc trên gối, lưng của trẻ được đặt tựa trên cẳng tay của mẹ và đầu của trẻ được đỡ bởi lòng bàn tay kia của mẹ.
Tư thế bú thứ hai: Trẻ được đặt ngồi trong lòng mẹ, mặt quay về phía mẹ, hai chân của trẻ giạng ra trên bụng mẹ.
Ở cả hai tư thế cần lưu ý để vú mẹ không đè ép lên mũi trẻ làm trẻ không thở được. Khi cho bú nên để vị trí đầu trẻ quay sang bên phải trong lần bú này và quay sang bên trái trong lần bú khác để trẻ có thể sử dụng tất cả các cơ ở vùng miệng. Ngòai ra, khi cho bé bú cần chú ý, đưa vú vào thật sâu trong miệng trẻ để sữa chảy vào phía sau lưỡi của trẻ.
Đôi khi bà mẹ phải vắt sữa vào ly và cho trẻ uống sữa bằng thìa. Để tránh sặc khi cho trẻ ăn bằng thìa nên cho trẻ ngồi ở tư thế đặt dọc một chiếc gối lên thành gường, dựa người bé trên đó, đầu hơi đưa về phía trước một chút. Nếu cho trẻ bú bình, cũng cần giữ cho trẻ ở tư thế này, núm vú nên đặt vào phần miệng có mô lành (phần không bị khe hở).
Nên sử dụng bình sữa bằng nhựa dẻo để giúp trẻ bú dễ hơn và tiết kiệm sức cho trẻ bằng cách bóp vào bình sữa khi cho trẻ bú. Tránh cho trẻ bú nhiều không khí bằng cách bóp bình sữa để đẩy hết khí ra ngoài trước khi cho trẻ bú.
Để giúp trẻ bú bình dễ hơn nên xẻ đầu núm vú theo hình chữ thập (+). Nếu được nên xẻ lệch một bên để khi đưa núm vú vào miệng, sẽ đặt phía xẻ áp lên phần lưỡi của trẻ, vị trí này sẽ giúp sữa không chảy quá nhanh khi trẻ bú.
Nên cho trẻ bú trước khi trẻ quá đói: Khi quá đói trẻ sẽ khóc to và có vẻ kích động làm việc cho bú trở nên khó khăn. Do đó mẹ của trẻ nên phát hiện các dấu hiệu báo hiệu trẻ đói như thấy mắt trẻ chuyển động phía sau mí mắt, miệng trẻ cử động, trẻ cho tay vào miệng,... để cho trẻ bú kịp thời khi trẻ vừa đói.
Xử lý sặc sữa qua mũi: Ngay cả khi cho trẻ bú đúng tư thế, hiện tượng sặc sữa qua mũi vẫn xảy ra. Mẹ không nên quá lo lắng về việc này vì việc sặc sữa luôn luôn xảy ra vào thời gian đầu, điều này không gây hại gì cho trẻ và sẽ giảm dần theo thời gian khi trẻ lớn dần.
Khi xảy ra sặc sữa, cho trẻ ngừng bú, để cho trẻ một vài giây để ho hoặc hắt hơi. Thời gian ngắn nghỉ bú này sẽ giúp trẻ làm sạch mũi và cho phép trẻ tiếp tục bú trở lại.
Việc cho trẻ ợ thường xuyên chỉ cần thiết khi trẻ nuốt nhiều không khí. Trẻ sẽ cho biết khi nào cần ợ bằng cách tự nhiên bú chậm lại hoặc ngừng bú. Trẻ không bao giờ cần ợ khi đang bú mạnh.
Miệng của trẻ dù có hay không bị khe hở môi - hàm đều có xu hướng tự làm sạch. Đối với hầu hết các trẻ bị khe hở môi - hàm việc làm sạch các mảng sữa bám ở khe hở được thực hiện khá đơn giản bằng cách cho trẻ uống vài ngụm nước là đủ.
Khi vệ sinh cho trẻ, nên lau mặt và miệng cho trẻ bằng khăn vải mềm và ướt, dùng bông tẩm nước sạch để lau vùng khe hở môi cho trẻ. Không nên dùng gạc vải, hay ống tiêm xịt nước để chùi rửa khe hở môi (hàm) vì có thể gây tổn thương cho trẻ trên các vùng này.