Hàm răng hoàn chỉnh của con người có từ 28-32 chiếc, đảm nhận chức năng nhai, phát âm, thẩm mỹ. Răng được cấu tạo hoàn hảo để thực hiện những chức năng ấy nhưng không phải ai cũng biết về cầu tạo của răng.
Nhìn phía ngoài, ta thấy răng gồm có thân răng, chân răng, cổ răng. Thân răng gồm có men răng và ngà răng. Chân răng gồm có xương răng, ngà răng, tuỷ răng. Cổ răng là ranh giới giữa thân và chân răng.
Men răng là tổ chức cứng nhất cơ thể và là tổ chức có tỉ lệ muối vô cơ cao nhất trong các tổ chức rắn của cơ thể (96% là muối vô cơ). Ngoài ra còn một số lượng rất ít nhưng không thể thiếu được là muối cacbonat, trong đó có MgCO3 chiếm 2% chất vô cơ, một lượng nhỏ clorua, fluorua, sunfat natri và kali. Thành phần hữu cơ chiếm 1%, chủ yếu là axit amin histidin, lysin arginin (các axit amin trong keratin). Còn lại 3% là nước.
Men răng là tổ chức cứng, giòn, cản tia X. Bình thường men có mầu trong mờ, mỏng, ngấm vôi tốt, qua lớp men có thể nhìn thấy ngà răng ở dưới nên răng có màu trắng hơi vàng. Lúc răng mới mọc, men răng còn non, có tới 30% chất hữu cơ và nước.
Dần dần men răng già đi, chất vô cơ tăng dần, có thể là do các tinh thể sắp xếp lại sát nhau hơn, mặt khác men răng cũng ngấm các chất vi lượng chủ yếu là fluor làm cho apatit chuyển thành fluoroapatit. Trên men răng không phải là chỗ nào cũng cứng đều, nơi cứng nhất là ở bên ngoài.
Ngà răng là một tổ chức chiếm khối lượng chủ yếu ở thân răng, trong điều kiện bình thường ngà răng không lộ ra ngoài, và được bao phủ hoàn toàn bởi men răng và xương răng. Ngà răng bao bọc và bảo vệ cho tuỷ răng. Ngà là tổ chức ít rắn hơn và chun giãn hơn men răng, không giòn và dễ vỡ như men.
Thành phần vô cơ chiếm 70%, chủ yếu là photphat 3 canxi apatit 32H2O. Ngoài ra, còn có cacbonat canxi, Mg và Fluor. Các tinh thể ở ngà răng nhỏ hơn các tinh thể ở men răng. Thành phần hữu cơ và nước chiếm 30%, chủ yếu là chất keo collagen. Ngà răng tự nhiên có màu vàng nhạt, có độ đàn hồi cao. Ngà răng xốp và có tính thấm.
Tuỷ răng là một khối tổ chức liên kết mạch máu nằm trong một cái hốc ở giữa răng gọi là hốc tuỷ răng. Hình thể tuỷ răng tương tự hình thể ngoài của răng, gồm tuỷ buồng và tuỷ chân. Thể tích hốc tuỷ của các răng vĩnh viễn thay đổi theo hình dạng, kích thước của răng, số lượng ống tuỷ. Mỗi chân răng thường có một ống tuỷ.
Các tổ chức của tuỷ răng gồm:
Thành phần tế bào: Các tế bào của tuỷ thuộc về các nhóm khác nhau và có các chức năng khác nhau. Có thể phân biệt nguyên bào ngà, nguyên bào sợi, tế bào chưa biệt hoá và tế bào bảo vệ.
Thành phần sợi và chất căn bản: Mô tuỷ là mô giàu thành phần lưới sợi, các tơ sợi và bó sợi collagen. Số lượng sợi collagen ở tuỷ thân ổn định sau 20 tuổi, ngược lại, ở tuỷ chân, các sợi collagen ngày càng bó bện với nhau do tăng các bó sợi dày đặc. Ở phần chóp của tuỷ chân, các sợi sắp xếp dày đặc và đều đặn.
Mạch máu tuỷ răng rất nhiều, các mạch máu chính đi vào tuỷ qua lỗ chóp, ngoài ra còn có thể ra vào theo các ống tuỷ phụ, đặc biệt vùng chẽ chia đôi, chẽ chia ba của các răng nhiều chân.
Các tĩnh mạch đi đến cuống răng để đi ra ngoài, đường kính của chúng thường nhỏ đi và số lượng tĩnh mạch ít đi, do đó, làm tuần hoàn trong tuỷ chậm lại, có lợi cho sự trao đổi chuyển hoá trong tuỷ lúc bình thường.
Tuy nhiên, khi bị viêm dễ bị xung huyết nặng và dẫn đến hoại tử tuỷ. Trong tuỷ, điều hoà dòng máu được kiểm soát thông qua sự điều hoà co mạch của hệ giao cảm.
Thần kinh đi vào tuỷ qua lỗ chóp cùng với mạch máu và mạch bạch huyết. Có sự phân biệt giữa các sợi không có myelin và các sợi có myelin.
Các sợi không có myelin chạy dọc theo hệ thống thần kinh tự chủ, liên quan trực tiếp với các ống mạch, chi phối cho các cơ trơn của thành mạch và điều hòa sự co mạch. Các sợi thần kinh có myelin từ thần kinh tam thoa và là các sợi cảm thụ bản thể hướng tâm, có các đầu tận tự do và chỉ ghi nhận cảm giác đau.
Tuỷ răng có vai trò tạo ngà (biệt hoá lớp tế bào ngoại vi trở thành lớp tế bào tạo ngà); Đảm bảo sự trao đổi chuyển hóa trong các tổ chức răng, nhờ lưới mạch máu rất giàu trong tuỷ và nhờ vai trò dinh dưỡng của tế bào tạo ngà và nhờ dây tomes; chống đỡ bảo vệ; đảm bảo phần lớn cảm giác (đau, buốt,…) của răng.