Tay chân miệng rất do coxsackievirus A16 thường là một bệnh nhẹ và tự lành sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đây là bệnh có khả năng bùng phát thành dịch, nên việc điều trị dứt điểm và phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng.
Trẻ nhũ nhi và trẻ em dưới 5 tuổi là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất vì chúng chưa có kháng thể chống lại bệnh. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng tại các vị trí đặc trưng ở tay, chân, miệng và mông.
Hiện chưa có thuốc đặc trị để diệt virus gây bệnh Tay – Chân – Miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy, khi có dấu hiệu bị bệnh, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để khám, không được tự ý mua thuốc điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Đối với các thương tổn ngoài da, bệnh nhân sẽ được bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
Nếu có biến chứng phải nhập viện lập tức để để có biện pháp điều trị tích cực và ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp.
Bệnh Tay – Chân – Miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi phòng bệnh là luôn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Vệ sinh chân tay trước bữa ăn, sau khi trẻ tiếp xúc với môi trường, vật dụng ô bẩn. Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nơi ở nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của các tác nhân gây bệnh xâm nhập tới trẻ.
Trong vùng dịch bệnh hay có người bị bệnh, người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết. Trong tuần đầu tiên khi bệnh nhân mắc bệnh, không cho trẻ em khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhân.
Khi chăm sóc bệnh nhân không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân. Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor. Tránh các tiếp xúc thân mật với người bệnh như hôn, vuốt ve, dùng chung dụng cụ…
Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh. Đối với các trẻ lành bệnh trong khu vực có dịch hoặc có người bị bệnh mà có biểu hiện sốt, cần theo dõi chặt chẽ.
Rất khó để phòng bệnh Chân – Tay – Miệng ở nhà trẻ. Các vụ bùng phát dịch trong nhà trẻ thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu và không có biện pháp cụ thể nào đảm bảo chắc chắn trẻ không bị lây nhiễm nếu dịch bùng phát trong nhà trẻ, trường học.
Tuy nhiên những biện pháp sau đây thường được khuyến cáo: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa tay khi đi vệ sinh hoặc dọn dẹp vệ sinh, vệ sinh đồ chơi. Cho trẻ nghỉ tại nhà nếu có biểu hiện sốt, có biểu hiện loét miệng.