Ở lứa tuổi nhỏ, chơi là cách quan trọng nhất giúp bé nhận thức thế giới và học được nhiều thứ liên quan đến cuộc sống. Tất cả các hoạt động vui chơi cháu bé tham gia sẽ xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, sáng tạo và phát triển tính cách. Dưới đây là những điều bé học được thông quan các trò chơi.
Trước hết, những vật hình khối giúp trẻ nhận thức được không gian ba chiều: một khái niệm nền tảng cho các môn hình học, vật lý, kiến trúc và kỹ thuật.
Trẻ học được những mối tương quan kích cỡ trong thế giới thật: Thường, các bé mấu giáo hay dùng các khối to, vừa, để làm các nhân vật tưởng tượng như bố, mẹ, con, hay anh, chị, em bé… Những cách thức đó giúp bé biết cách so sánh, đối chiếu vơi kích cỡ trong thế giới xung quanh.
Trẻ phát triển được trí tưởng tượng: Vì trẻ có thể dùng chúng xếp những khối to nhỏ với nhau thành lâu đài, con tàu vũ trụ, nhà cao tầng và khi xếp trẻ có thể tưởng tượng mình và bố mẹ ở trong đó như thế nào.
Các trể từ 3 tuổi đã rất thích cầm bút vẽ nguệch ngoạc. Những nét vẽ đó thật vô nghĩa đối với người lớn, nhưng với trẻ điều đó thực sự có ý nghĩ vì trẻ dường như đã khám phá ra một khả năng gì đó ở mình. Thêm một tuổi nữa, bé đã có những nét vẽ mô phỏng ban đầu về những gì chúng quan sát và tưởng tượng ra. Vì vậy, vẽ là cách bé thể hiện sự quan sát và thu nhận đối với thế giới xung quanh cũng như tư duy, tưởng tượng về chúng. Càng lớn lên, trẻ càng chú ý đến các chi tiết, quan sát kỹ và tìm cách hoàn thiện.
Trẻ 2 tuổi đã có thể hát những bài hát đơn giản 2-3 câu. Đây là nền tảng giúp bé học đọc sau này. 3-4 tuổi trẻ đã có thể hát được những bài dài hơn và múa, nhún nhảy theo nhịp điệu của bài hát và nhạc cụ. Hát và múa cũng giúp trẻ tự nhiên, linh động và sáng tạo, những điều rất cần ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Những đồ chơi chuyển động như xe hơi, xe tải, máy bay, tàu lửa..., đặc biệt có sức hấp dẫn với các bé. Khi ngắm chúng chuyển động, trẻ sẽ có những cảm xúc khác nhau, lúc hồi hộp lúc sung sướng, từ đó trẻ cảm thấy mình lớn mạnh và trưởng thành. Các trò chơi đó cũng nuôi dưỡng cho trẻ những trí tưởng tượng và liên hệ với thực tiễn dễ dàng hơn.
Các trò chơi ráp hình giúp trẻ phát triển khả năng suy luận về không gian, quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Các bài tập ráp hình sẽ tiến từ đơn giản tới phức tạp sẽ tạo cho trẻ sự tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại, chúng cũng khiến những đứa trẻ quá hiếu động, nghịch ngợm khắc phục được tính thiếu kiên nhẫn, hay bực dọc, hay không thể ngồi yên. Đó là tiền đề quan trọng để, để học tốt môn toán, một môn yêu cầu sự tập trung và kiên trì. Đôi khi, lắp ráp cần có sự cộng tác của một nhóm, điều này giúp trẻ học được cách cộng tác và trù tính những chiến lược để giải bài.
Các hoạt động vui chơi, chạy nhảy, leo trèo ngoài trời có ý nghĩa rất lớn cho việc rèn luyện thể lực, sự năng động, hoạt bát, khả năng hòa nhập thập thể và sự tự do khám phá. Đó cũng là nơi hoạt động chung để học những bài học có tính xã hội. Trẻ tự phân chia, tự nghĩ ra những kịch bản và sáng tạo nên những trò chơi tập thể khác nhau, khi xung đột nảy sinh, chúng giải quyết bằng cách của chúng. Vì vậy, chơi ngoài trời còn rèn luyện cho trẻ kỹ năng hòa nhập và giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Hãy khuyến khích bé đọc… giả vờ. Chỉ có một số ít trẻ mẫu giáo có khả năng đọc thật sự, trong khi những bé khác rất thích được bạn bè và người lớn tán thưởng khi có khả năng độc hẳn một câu chuyện. Dẫu rằng lúc đó bé đang giả vờ và tưởng như mọi người không biết. Đọc giả vờ giúp bé có thể tự làm chủ một câu chuyện sau khi đã được nghe kể, sau đó tự diễn giải theo cách của bé. Bé cũng phải biết cách kể chuyện có mở đầu, nội dung và kết thúc. Việc hoàn thành một câu chuyện mình vừa “đọc” có ý nghĩa rất lớn với bé. Bước đầu bé đã biết làm quen với bài học tập đọc và niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ.