Trẻ con vốn hiếu động và thích khám phá. Cho nên tất cả những vật dụng từ lớn đến nhỏ trong gia đình đều khiến bé thích thú và tìm cách để được sờ, đụng chạm. Nhất là trẻ từ vài tháng đến 3 tuổi còn luôn tìm cách để “nếm”.
Có những dị vật khi nuốt sẽ trôi tuột xuống dạ dày và được thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, có những dị vật lại không trôi xuống dễ dàng như vậy mà mắc kẹt lại ở thực quản gây ho, hóc, tắc đường thở rất nguy hiểm.
Có cách nào phòng ngừa hữu hiệu không? Câu trả lời là không có cách nào thực sự hiệu quả. Sự tò mò và hiếu động của trẻ con mạnh tới mức dù bạn có nhắc đi nhắc lại sự nguy hiểm mỗi ngày, dù bạn có dọa con bằng những hình phạt đau nhất cũng không thể cưỡng lại “sức cám dỗ” của môi trường xung quanh, trong đó có những vật nhỏ mà trẻ đang rất muốn khám phá.
Tuy nhiên, sự cẩn thận đề phòng vẫn cần thiết. Phụ huynh cần phải đặt những vật có nguy cơ tránh xa tầm tay của trẻ như cúc áo, viên bi, hạt trái cây, miếng thịt, miếng cà rốt,… không cho trẻ chơi những vật có thể tháo rời chi tiết nhỏ.
Đôi khi, hãy nằm xuống sàn cạnh con và quan sát. Có những vật nhỏ thật khó phát hiện mà chỉ khi bò dưới sàn trẻ mới khám phá ra. Quan trọng nhất là cha mẹ cần phải biết hướng xử lý khi trẻ không may nuốt phải dị vật.
Tuyệt đối không được quát mắng khi phát hiện trẻ đã nuốt phải dị vật. Điều này sẽ làm bé hoảng sợ, khóc và có thể bị hóc nặng thêm, ngoài ra sẽ làm tâm lý trẻ càng thêm hoảng loạn. Hãy nhẹ nhàng động viên trẻ và hướng dẫn trẻ những việc cần làm.
Khi trẻ nuốt phải dị vật mà không thể nói được với giọng bình thường, nghĩa là trẻ khó thở hay không thở được, hãy cho trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất, hoặc gọi xe cấp cứu.
Trong quá trình chờ đợi, hãy để trẻ nằm xuống, một bàn tay nắm chặt đặt lên phần giữa rốn và xương sườn, tay còn lại đặt lên tay kia và bắt đầu ấn xuống bụng 6 đến 10 lần cho đến khi trẻ thở lại và ho. Đối với bé còn nhỏ thì nên quỳ gối xuống sát bàn chân của trẻ và thực hiện động tác như trên. Ấn nhanh nhưng đừng quá mạnh.
Nếu trẻ vẫn thở được, khóc và ho, hoặc thở khò khè, nghĩa là trẻ vẫn chưa gặp nguy cấp chết người. Khí quản sẽ nhanh chóng phát hiện và thích nghi với tình trạng ách tắc đường khí, phổi sẽ lấy không khí qua khe hở hẹp còn lại.
Bố mẹ đừng cố tìm cách cho trẻ khạc nhổ hay vuốt để đẩy dị vật ra ngoài. Những cố gắng này đôi khi mang kết quả ngược lại, vật bị nghẹn sẽ tuột sâu vào bên trong hoặc lút sâu vào khí quản khiến tình hình càng thêm tồi tệ. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trường hợp còn lại, nếu trẻ đã nuốt phải vật lạ nhưng không có biểu hiện gì khác thường, thì có thể vật lạ đã trôi xuống dạ dày. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần đến gặp hoặc gọi điện cho bác sĩ. Đôi khi những vật lạ như đồng xu, thuốc hay những vật nhọn, sắc không tốt hoặc gây hại về sau cho sức khỏe của trẻ.
Nếu may mắn, vật được nuốt vào sẽ bị mắc lại ở hai cục amidan hay sâu hơn một chút. Bác sĩ sẽ dễ dàng dùng nhíp gắp ra.
Nếu vật chui vào sâu hơn thì phải dùng đến ống soi khí quản. Đây là một ống dẻo giúp bác sĩ quan sát khí quản và dùng nhíp khéo léo lấy dị vật ra. Trường hợp này trẻ cần được gây mê và tiến trình rất đơn giản, an toàn.
Tuy nhiên, nếu vật trẻ nuốt vào quá to làm khí quản bị căng ra quá mức thì phương pháp duy nhất là phẫu thuật.